Quan điểm Cơ Đốc giáo Thiên_sứ

Jacob vật lộn với thiên sứ - Gustave Doré, (1855).

Trong Tân Ước thiên sứ thường xuất hiện như là những sứ giả đem mặc khải đến từ Thiên Chúa như khi hiện đến cho Thánh Giuse (Joseph)[1], cho Chúa Giê-su[2], cho Maria [3], cho Phê-rô[4]; Chúa Giê-xu cũng nói về các thiên sứ thi hành nhiệm vụ ở sách Mác-cô 8.38[5] và Mác-cô 13.27[6], có lần ngài đã ngụ ý rằng họ không kết hôn. Tân Ước không nói nhiều về thứ bậc của thiên sứ, nhưng có những ám chỉ về điều này. Sự phân biệt giữa thiên sứ thiện và thiên sứ ác được thừa nhận. Các thiên sứ thiện như Gabriel[7], Metratron[8], và Michael[9]. Các thiên sứ ác như Beelzebul[10], Samael[11]Apollyon[12]. Có những thứ bậc trong hàng ngũ thiên sứ cũng được nhắc đến, thiên sứ trưởng Michael[13]. Các thiên sứ của Bảy Hội thánh vùng Tiểu Á đã được mô tả trong Khải Huyền 1-3. Đây có lẽ là những thiên sứ bảo vệ, đại diện cho các hội thánh cũng giống như các thiên sứ trong sách Daniel đại diện cho các dân tộc.

Thiên sứ trưởng Gabriel hiện ra cùng Đức Mẹ Maria trong vai trò truyền thống của một sứ giả tỏ cho Đức Mẹ biết con của bà là đấng Cứu thế[Messiah hoặc Savior theo tiếng Anh], các thiên sứ khác cũng hiện ra để báo tin về sự ra đời của hài nhi Giê-xu. Trong Matthew 28.2 một thiên sứ hiện ra tại mộ của Chúa Giê-xu, làm lính gác La Mã kinh khiếp, lăn tảng đá ở cửa mộ, và bảo cho những phụ nữ đến thăm mộ biết về sự phục sinh của Chúa Giê-xu ("Và này, đất rúng động dữ dội, vì có thiên sứ của Chúa ở trên trời xuống, đến lăn hòn đá mà ngồi ở trên."). Trong Phúc âm Máccô 16.5, khi các phụ nữ này vào bên trong ngôi mộ trống họ thấy một thiên sứ được miêu tả như là "một người trẻ tuổi". Theo ký thuật của Phúc âm Luca 24.4, có hai thiên sứ hiện ra khi những phụ nữ này đã vào bên trong ngôi mộ; ở đây các thiên sứ được miêu tả mặc áo "sáng như chớp". Tương tự, Phúc âm Giăng 20.12 thuật lại rằng Mary nói chuyện với "hai thiên sứ mặc áo trắng" ngồi trong mộ Chúa Giê-xu.

Khi Chúa Giê-xu về trời, có hai thiên sứ hiện ra và báo rằng Ngài sẽ trở lại (Công vụ 1. 10,11). Khi Phê-rô (Peter - Tiếng Anh) bị bắt giam, một thiên sứ khiến lính gác ngủ mê, giải thoát ông khỏi xiềng xích và đưa ông ra khỏi nhà giam (Công vụ 12. 7-8).Trong sách Khải Huyền, các thiên sứ thi hành nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có việc chầu quanh Ngai Thiên Chúa và ca hát chúc tụng: "Thánh thay, thánh thay, thánh thay".

Các thiên sứ thường khi xuất hiện trong hình dạng loài người, mặc dù các nhà thần học cho rằng thiên sứ không có thân xác, nhưng có thể hoá thân. Seraphim được miêu tả trong Kinh Thánh là có sáu cánh toả sáng từ bên trong. Từ cuối thế kỷ thứ 4, người ta hình dung các thiên sứ xuất hiện với đôi cánh, một cách giải thích dễ hiểu cho khả năng di chuyển của thiên sứ đến từ thiên đàng. Khả năng này được ngụ ý trong Kinh Thánh. Các nhà thần học kinh viện cho rằng các thiên sứ có thể lập luận và di chuyển cực nhanh. Những người này cũng dạy rằng thiên sứ là những nhân tố trung gian của một số năng lực, hoặc là năng lực tự nhiên của vũ trụ như lực quay của các hành tinh hoặc lực chuyển động của các vì sao. Thiên sứ được ban cho những khải tượng phước hạnh, hoặc sự hiểu biết thấu suốt về Thiên Chúa.

Mặc dù các bản tín điều không nhắc đến một học thuyết chính thức nào về thiên sứ, trong thời trung cổ, các tư tưởng tôn giáo thường chịu ảnh hưởng bởi tác phẩm Phẩm hàm các Thiên thể (Celestial Hierachy) của một tác giả ẩn danh vào thế kỷ thứ 5 hoặc của các tác giả viết theo văn phong của Dionysius the Areopagite. Người theo thuyết Bất khả tri có khuynh hướng bác bỏ sự hiện hữu của thiên sứ, hoặc cho đó là điều không thể biết. Song, theo nguyên lý về tính liên tục, cần có những thực thể trung gian giữa loài người và Thiên Chúa.

Một số truyền thống Cơ Đốc cho rằng các thiên sứ được tổ chức vào ba thứ bậc chính, rồi có những thứ bậc nhỏ hơn nữa, có đến mười cấp bậc thiên sứ. Dựa vào Phẩm hàm các Thiên thể mà có: Thiên sứ, Thiên sứ trưởng hoặc Tổng lãnh thiên thần, Vương hầu (Pricipalities), Thế lực (Powers), Đức hạnh (Virtues), Quyền thống trị (Dominion), Vương quyền (Thrones), Cherubim và Seraphim. Trong các phẩm hàm này, Cherubim và Seraphim là thân cận nhất với Thiên Chúa, trong khi các Thiên sứ và Thiên sứ trưởng hoạt động tích cực trong tiếp xúc với loài người; tuy nhiên có một số truyền thống cho rằng các Thiên sứ trưởng có phẩm hàm cao nhất, và con số các thiên sứ trưởng cũng ít hơn các thiên thể khác.

Một số truyền thống trong Cơ Đốc giáo cho rằng thiên sứ giữ các vai trò đặc biệt trong đời sống tín hữu. Người Công giáo tin rằng có thiên thần bảo hộ cho mỗi người ngay khi vừa chào đời.

Phổ biến trong cộng đồng Kháng Cách (Protestant), Anh giáo và Công giáo là niềm tin cho rằng danh hiệu "Thiên sứ của Đức Giê-hô-va" là dành cho Chúa Giê-xu trước khi ngài hoá thân thành người.

Ngày nay, quan điểm về sự hiện hữu của thiên sứ vẫn được chấp nhận rộng rãi trong vòng các giáo phái thuộc Cơ Đốc giáo.

Satan (còn gọi là Lucifer) và ma quỷ, theo quan điểm Cơ Đốc, là các thiên sứ phản loạn chống nghịch Thiên Chúa và bị đuổi khỏi Thiên đàng. Cơ Đốc giáo không công nhận sự hiện hữu của thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa, nên các trường phái thần học xem những thiên sứ ác này là những thực thể phản loạn chống lại Ba Ngôi và dối trá tự nhận mình là các thần linh.

Quan điểm Cơ Đốc về đời sau tin rằng linh hồn của những người công chính sau khi chết sẽ lên Thiên đàng và được biến hoá trở nên giống các thiên sứ. Kinh Thánh ký thuật lời của Chúa Giê-xu miêu tả người được cứu sau khi phục sinh sẽ trở nên giống như thiên sứ trong các vấn đề liên quan đến hôn nhân và sự sống vĩnh cửu, "...song những người đã được kể đáng dự phần đời sau và đáng từ kẻ chết sống lại, thì không lấy vợ gả chồng. Bởi vì họ sẽ không chết được nữa, vì giống như các thiên sứ, và là con của Thiên Chúa, tức là con của sự phục sinh." (Luca 20. 35-36). Sứ đồ Phao-lô cũng đề cập đến sự hoá thân này, "Này là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hoá" (1Côr. 15.51), Phao-lô cho biết các thánh đồ sẽ "xét đoán các thiên sứ" (1Cor 6. 3).